Viettel hỗ trợ truyền hình cáp cho dân nghèo Hà Nội: Cần tuân thủ đúng các quy định pháp luật

13:51 | 22/05/2016

Liên quan đến việc viễn thông Viettel hỗ trợ Hà Nội lắp đặt truyền hình cáp giá ưu đãi cho các hộ nghèo, cận nghèo, Bộ TT&TT cho rằng, Viettel chỉ có thể dùng nguồn quỹ phúc lợi để cung cấp các kênh truyền hình quảng bá và không được hạch toán vào chi phí kinh doanh, tránh tình trạng lợi dụng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.Sáng 18/5/2016, Bộ TT&TT đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc triển khai hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tính đến 1/5/2016, toàn thành phố có 65.377 hộ nghèo (trong đó có 44.765 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương) và 34.005 hộ cận nghèo (trong đó có 21.837 hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương).

Liên quan đến việc hỗ trợ người nghèo thu - xem truyền hình số, UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Viettel đã có Biên bản ghi nhớ, Viettel sẽ triển khai Đề án số hóa truyền hình của Hà Nội với nhiều nội dung trong đó có lắp đặt truyền hình cáp cho các hộ nghèo, cận nghèo của TP. Ban đầu, Viettel dự định thu phí thuê bao ưu đãi là 15.000 đồng/tháng, nhưng sau đó hai bên thống nhất Viettel sẽ miễn phí lắp đặt và thuê bao trong thời gian đầu, đến khi các hộ này thoát nghèo sẽ chuyển sang ký kết hợp đồng thu phí dịch vụ truyền hình với mức thuê bao ưu đãi. Theo kế hoạch, Viettel sẽ triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho toàn bộ số hộ nghèo, cận nghèo của Hà Nội nhưng đến nay thì phát sinh một số khó khăn và Viettel sẽ không thể hoàn thành đúng lộ trình tắt sóng truyền hình analog.

Theo ông Bất, khi triển khai thí điểm từ 5/5/2016 đến nay, Viettel đã phát sinh khó khăn trong việc triển khai lắp đặt truyền hình cáp tại các địa bàn do nhiều nơi Viettel chưa có hạ tầng, đặc biệt là ở các xã xa trung tâm, khu vực miền núi. Dự kiến đến ngày 15/8/2016, Viettel chỉ có thể lắp hỗ trợ truyền hình cáp cho khoảng 12.000 hộ nghèo. Do phát sinh khó khăn nên Sở LĐ-TB&XH đã cùng Viettel Hà Nội thống nhất đề nghị UBND TP Hà Nội cho thực hiện đồng thời vừa lắp đặt truyền hình cáp, vừa lắp đặt đầu thu truyền hình kỹ thuật số tạo điều kiện cho các hộ nghèo sớm được xem các kênh truyền hình thiết yếu khi ngừng phát sóng truyền hình analog.

Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị, Viettel sẽ triển khai hỗ trợ truyền hình cáp cho 12.000 hộ, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam hỗ trợ 34.409 hộ bằng đầu thu kỹ thuật số theo danh sách các hộ nghèo, cận nghèo chuẩn cũ.

Còn đối với 20.193 hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới (chuẩn nghèo đa chiều), trong đó có 13.000 hộ chưa có tivi, Sở LĐ-TB&XH đưa ra 3 phương án: Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích hoặc Viettel Hà Nội hỗ trợ đầu thu cho 7.913 hộ nghèo, cận nghèo. Trong trường hợp cả hai đơn vị không kịp hỗ trợ đầu thu cho số lượng hộ nghèo trước ngày 15/8/2016, đề nghị UBND TP Hà Nội mua đầu thu hỗ trợ từ nguồn ngân sách của địa phương.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, giải pháp của Hà Nội đề nghị Viettel hỗ trợ bằng việc triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cần xem xét 2 vấn đề: Việc hỗ trợ của Viettel có đúng với quy định về khuyến mãi và cạnh tranh hay không, cho dù là hỗ trợ cho người nghèo nhưng cũng phải đảm bảo đúng quy định về khuyến mãi, cạnh tranh.

Theo Quyết định phê duyệt Đề án số hóa truyền hình của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng hỗ trợ đầu thu là hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương, kèm theo điều kiện là các hộ này phải có tivi. Nguồn tiền mua đầu thu từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích và đơn vị triển khai hỗ trợ là Bộ TT&TT. Vai trò của UBND các tỉnh, thành phố là phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức phân phối và kiểm tra giám sát việc hỗ trợ. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/6 là thời điểm tắt sóng mềm truyền hình analog.

Việc phát sinh tăng số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới áp dụng từ năm 2016 là vấn đề tỉnh nào cũng gặp phải khi triển khai hỗ trợ đầu thu theo Đề án số hóa truyền hình. Cũng theo ông Tuấn, nhà nước sẽ hỗ trợ đầu thu cho cả các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới đa chiều, tuy nhiên do số lượng các hộ nghèo mới phát sinh chưa kịp cập nhật, để kịp tiến độ tắt sóng truyền hình analog, Hà Nội cần hỗ trợ ngay cho hơn 34.000 hộ theo chuẩn Trung ương cũ. Đối với các hộ phát sinh theo chuẩn mới Bộ TT&TT sẽ triển khai Dự án mua sắm hỗ trợ sau. Các địa phương cần tổ chức tuyên truyền để các hộ nghèo theo chuẩn mới nắm được chủ trương này.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, nhà nước hoàn toàn ủng hộ Viettel hỗ trợ cung cấp dịch vụ truyền hình cáp miễn phí cho người nghèo. Nhưng Viettel là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nên việc miễn phí hoặc giảm giá dịch vụ này phải đảm bảo tuân thủ các quy định về cạnh tranh lành mạnh và thực hiện đúng quy định về giá cước khuyến mãi.

Cũng theo vị đại diện này, đối với chương trình ưu đãi dịch vụ truyền hình cho người nghèo, Cục Viễn thông chưa nắm rõ nội dung và mức độ cho tặng với khách hàng nên chưa thể kết luận Viettel làm đúng luật hay không. Tuy nhiên, đây là chương trình miễn phí hoàn toàn trong một thời gian dài nên phải xem xét cụ thể theo các quy định của Luật Viễn thông và Luật Thương mại.

“Dấu hiệu ban đầu có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro vi phạm về mức khuyến mãi. Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp không được giảm giá cước dưới 50%”, vị đại diện này nói.

Còn ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử lại nêu vấn đề liên quan đến phạm vi giấy phép của Viettel trong việc cung cấp dịch vụ truyền hình. Theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP thì Viettel có thể hỗ trợ người dân xem dịch vụ truyền hình quảng bá, nhưng Viettel phải cam kết đảm bảo chỉ đưa các kênh truyền hình thiết yếu trong nước, không thu phí và không khóa mã. Việc cung cấp dịch vụ miễn phí này phải phân biệt rạch ròi với truyền hình trả tiền. Trong trường hợp Viettel cung cấp gói dịch vụ có kèm các kênh truyền hình thương mại thì phải tuân thủ đúng quy định về cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

“Đây là chương trình tác động đến hộ nghèo, cận nghèo, chiếm hơn 4% số hộ gia đình của Hà Nội nên Viettel phải cam kết rõ việc duy trì chất lượng thiết bị, chất lượng dịch vụ. Sở TT&TT Hà Nội cũng phải giám sát, quản lý nội dung truyền hình được cung cấp có đúng với cam kết hay không”, ông Yên nói thêm.  

Liên quan đến việc hỗ trợ lắp đặt dịch vụ truyền hình cáp và giảm giá cước cho các hộ nghèo của Viettel, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, Viettel chỉ được hỗ trợ nếu dùng nguồn quỹ phúc lợi sau thuế và không được hạch toán vào chi phí kinh doanh, tránh tình trạng lợi dụng các chương trình ưu đãi cho người nghèo để bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, gây thất thu thuế của nhà nước.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng nêu rõ Viettel chỉ được hỗ trợ bằng hình thức phổ cập dịch vụ truyền hình quảng bá, còn nếu cung cấp thêm các kênh giải trí phải làm đúng quy định về cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

Sau khi nghe ý kiến trao đổi từ phía Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chỉ đạo, Sở LĐ-TB&XH, Sở TT&TT phải làm việc ngay với Viettel Hà Nội để làm rõ các nội dung sau: Thống nhất quan điểm Viettel phải hỗ trợ trọn gói theo địa bàn xã, phường, tiến độ cuối cùng là ngày 15/8/2016 phải hoàn thành. Viettel chỉ được dùng quỹ phúc lợi để triển khai hỗ trợ cho người nghèo và đảm bảo chỉ cung cấp các kênh truyền hình thiết yếu. Bên cạnh đó, Viettel phải đảm bảo thực hiện đúng Luật Cạnh tranh trong nước và kể cả Luật quốc tế liên quan đến dịch vụ truyền hình.

“Nếu Viettel đảm bảo tất cả các điều kiện này thì hãy làm, còn nếu không thì để thành phố làm”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh.


Người viết : admin

Các tin khác


Face Chat Messenger