Hotline :
MENU

Viettel muốn thử nghiệm 4G có thu phí phải được Bộ TT&TT chấp thuận

Thứ bảy, 28/11/2015, 20:37 GMT+7

Cục Viễn thông cho biết, điều kiện để một doanh nghiệp cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G có thu phí là phải được sự chấp thuận của Bộ TT&TT, kể cả về giá cước 4G cung cấp cho khách hàng.

 

 

Ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, nhà mạng này sẽ xin phép Bộ TT&TT cho tiến hành thử nghiệm 4G có thu phí vào tháng 10/2015. Mạng 4G trước mắt phủ đến cấp thị xã, huyện và các tỉnh, thành phố. Đến cuối 2015 chậm nhất là quý I/2016 Viettel sẽ có 12.000 trạm 4G trên toàn quốc. Khi cung cấp dịch vụ 4G, quan điểm của Viettel là chỉ phân biệt cước thoại và dữ liệu chứ không phân biệt đâu là 3G và 4G. Có thể hiểu giá cước 4G mà Viettel cung cấp không cao hơn 3G. Khi sử dụng 4G, khách hàng của Viettel sẽ phải đổi SIM mới có thể dùng được.

Tuy nhiên, đại diện Cục Viễn thông cho biết, Viettel có thể thu phí của khách hàng khi tiến hành thử nghiệm thương mại 4G, nhưng cả việc thử nghiệm và thu phí dịch vụ 4G phải nhận được sự chấp thuận của Bộ TT&TT. 

Hiện MobiFone và VNPT chưa đưa ra tuyên bố gì về thử nghiệm 4G. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT khẳng định, chắc chắn VNPT sẽ triển khai 4G rất nhanh. Mục tiêu của VNPT là cung cấp cho khách hàng dịch vụ hội tụ với giá trị tốt nhất. Tuy nhiên, ông Long chưa tiết lộ quá trình triển khai 4G của VNPT cụ thể như thế nào.

 

 

Mới đây, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel đưa ra kiến nghị, Bộ TT&TT xem xét cấp giấy phép cung cấp dịch vụ 4G cho Viettel ngay trong năm 2015 để Viettel có thể tự bỏ vốn đầu tư và chính thức triển khai 4G từ năm 2016.

Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, một lợi thế của 4G là tốc độ vượt trội nhưng giá thành rẻ hơn 3G và 2G rất nhiều. Vì vậy, nhà mạng cần có mô hình kinh doanh phù hợp để đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Ông Thiều Phương Nam cho rằng, 3G là bước chuyển tiếp sang 4G nhưng 4G sẽ có những mô hình kinh doanh rất mới không giống 3G. Thứ nhất giá thành trên mỗi MB của 4G giảm tới 99% so với mạng 2G trước kia và tốc độ trao đổi dữ liệu tăng 12.000 lần so với 2G. Đương nhiên với một công nghệ mới như vậy, khả năng lớn như vậy thì mô hình kinh doanh phải khác. 4G sẽ giúp nhà mạng cung cấp được những dịch vụ đòi hỏi giao dịch dữ liệu dung lượng lớn. Hiện nay, với 3G đã có thể xem phim HD, nếu đo tốc độ 3G ở Hà Nội hay Sài Gòn cũng khá tốt, trung bình từ 3 đến 4 Mbps. Nhưng nếu dùng 4G, tốc độ đo được ở nhà khoảng 40 đến 45 Mbps, vậy là tốc độ tăng lên khoảng 10 lần, tạo nền tảng cho các ứng dụng mới. Ngoài vấn đề tốc độ thì 4G còn có thể cung cấp dịch vụ mới như truyền hình trên mạng 4G. Như vậy, nhà mạng lại có xu hướng mới, cơ hội mới để cung cấp truyền hình trên 4G, ví dụ như truyền trực tiếp các liveshow, các trận bóng đá xuống thẳng smartphone cho hàng ngàn người, điều đó chỉ 4G làm được. Hoặc 4G trên ô tô, biến cái ô tô thành điểm phát Wi-Fi cho tất cả những người ngồi trên xe tha hồ lướt Facebook, sử dụng dịch vụ OTT… cái này cũng chỉ 4G làm được. Nói chung 4G sẽ cung cấp Internet of Things (Internet vạn vật) cho tất cả các lĩnh vực như giáo dục, y tế… Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh rằng phải nhìn nhận rằng 4G như là mở rộng của 3G và cùng tồn tại song song với nhau.


Người viết : admin

Các tin khác


Face Chat Messenger